Lịch sử phát triển nền công nghiệp mỹ phẩm hiện đại của Hàn Quốc

Người ta vẫn nói chính làn sóng Hallyu đã mang mỹ phẩm của Hàn Quốc ra thế giới. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu về sự phát triển của họ, tôi đã nhận ra rằng đó chỉ là một yếu tố nhỏ thôi, đằng sau đó còn có rất nhiều điều thú vị.

0
4216

Thật dễ dàng để tìm kiếm thông tin về sự phát triển mỹ phẩm Hàn Quốc trong thời phong kiến. Tôi cũng đã từng nghĩ rằng họ cũng như ta thôi, cũng như lịch sử phát triển mỹ phẩm của thế giới. Tuy nhiên, cho đến khi có cơ hội làm việc cho công ty Hàn Quốc, đi đến Hàn Quốc để sống và trải nghiệm, tôi đã vỡ lẽ ra rất nhiều. Trong bài viết này, tôi muốn gửi lời cám ơn đến đồng nghiệp cũ của tôi – Mr. Shiny Lee đã giúp tôi hiểu ra nhiều điều.


1) Thời kỳ mở đầu – Hàn Quốc chịu sự đô hộ của Nhật Bản

Mỹ phẩm (ở qui mô công nghiệp đầu tiên) của Hàn Quốc ra đời vào năm 1916, và trở nên phổ biến vào những năm 1920s. Sản phẩm này được đặt tên là “Sức mạnh gia tộc Park” (朴家粉).

Hộp phấn được đóng gói với kích thước nhỏ gọn trong lòng bàn tay

Sản phẩm có dạng bột mịn trắng, hợp với thị hiếu lúc bấy giờ

Sản phẩm này có dạng tương tự phấn bột, có màu trắng, với công thức từ bột gạo, bột mè (hoặc kê) và bột Zoro. Để làm cho phấn mịn và trắng hơn, sản phẩm trộn thêm một ít bột ngọc trai và chì. Chỉ cần trộn thêm một ít nước, sản phẩm này giúp làn da sáng hơn trong thời gian dài.

Sau khi ra đời, sản phẩm này được đăng ký bản quyền thương mại vào năm 1920, và được yêu chuộng suốt những năm 1920s. Có thể nói sản phẩm này là niềm tự hào của người Hàn lúc bấy giờ bởi vì thời kỳ này, Hàn Quốc vẫn còn trong ách đô hộ của người Nhật, để có một sản phẩm của người Hàn bán trên thị trường, thật không dễ dàng, nhưng theo ghi chép để lại, thương hiệu này mỗi tháng đã bán ra 10,000 sản phẩm.

Sang những năm 1930s, các sản phẩm tương tự ra đời, tuy nhiên chúng là những sản phẩm của Nhật Bản và Trung Quốc.


2) Thời kỳ độc lập – ngành công nghiệp mỹ phẩm của Hàn Quốc bắt đầu phát triển

Tháng 8/1945, Hàn Quốc dành độc lập từ Nhật Bản, các công ty
Nhật Bản rút khỏi Hàn Quốc.

Tháng 9/1945, Bộ mỹ phẩm Chosun (nay là Bộ Mỹ phẩm Hàn Quốc) được thành lập. Cùng với đó là công ty Hóa Mỹ phẩm Thái Bình Dương (Pacific Chemical Industries Corporation) (nay là Amore Pacific) được thành lập. Kể từ đây, Amore Pacific đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của nền công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc.

Amore Pacific những ngày đầu tiên mới thành lập

Năm 1948, thương hiệu đầu tiên của Amore Pacific ra đời, lấy tên là Melody Cream

Năm 1950. Chiến tranh Hàn Quốc nổ ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc giảm sản xuất dần, thay vào đó, các sản phẩm ngoại bắt đầu tràn lan thị trường. Tuy nhiên, không  chấp nhận tình cảnh bị mất dần thị trường, và dù điều kiện còn rất khó khăn, Amore Pacific vẫn từng bước phát triển..

Năm 1951, Amore Pacific sản xuất sản phẩm đầu tiên có nguồn gốc từ thực vật, bằng cách sử dụng dầu thầu dầu và kết hợp với dầu sơn trà. Có thể nói đây là sản phẩm đặt nền móng đầu tiên cho các phương pháp nghiên cứu mỹ phẩm sau này.

Năm 1954, trung tâm nghiên cứu và phát triển mỹ phẩm đầu tiên của Amore Pacific ra đời.

Năm 1958, Amore Pacific phát hành tạp chí làm đẹp đầu tiên – Hwajanggye . Tạp chí này chia sẻ những mẹo làm đẹp, các phong cách làm đẹp khác nhau. Tạp chí được bán rộng rãi ở các hiệu sách.

Năm 1961, Amore Pacific tiếp tục mở trung tâm tư vấn sắc đẹp đầu tiên.

Năm 1962, nhà máy sản xuất mỹ phẩm qui mô lớn đầu tiên được thành lập tại Hàn Quốc. Mặc dù bị giới hạn khá nhiều về mặt công nghệ và chính trị, nhưng họ đã nỗ lực sử dụng tất cả kỹ nghệ vốn có và nhập khẩu một số công nghệ về để sản xuất mỹ phẩm.


3) Sự hình thành hệ thống phân phối mỹ phẩm

Tháng 09/ 1961, Chính phủ Hàn Quốc ban hành luật cấm buôn bán các sản phẩm nhập khẩu đặc biệt. Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc. Các công ty mỹ phẩm nội địa nhanh chóng được thành lập. Trong những năm 1960s, tổng mức sản xuất đã lên tới 100 triệu uôn.

Tuy nhiên, thời kỳ này các nhà máy chỉ dựa vào hệ thống phân phối sỉ, là các đại siêu thị. Đây là một hạn chế đối với các nhà máy, chính vì vậy, họ bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng kênh phân phối hơn, không phụ thuộc vào nhà bán sỉ.

3.1. Sự hình thành hệ thống bán hàng đa cấp

Năm 1962, Mỹ phẩm Julia lần đầu tiên vận hành hệ thống bán
trực tiếp, và họ đã gặt hái mức doanh thu ấn tượng.

Năm 1965, Amore Pacific, Mỹ phẩm Hàn Quốc, và các công ty mỹ
phẩm khác bắt đầu hình thức bán hàng trực tiếp. Trong đó, đáng chú ý Amore Pacific
đã tạo nên nền tảng bán hàng đa cấp.

Trong thời kỳ những năm 1980s, do cầu vượt quá cung, nên hình thức bán hàng đa cấp trong mỹ phẩm phát triển mạnh mẽ, và là kênh bán hàng chủ đạo của công nghiệp mỹ phẩm, chịu trách nhiệm 80% tổng doanh số bán ra.

3.2. Sự ra đời của cửa hàng chuyên doanh mỹ phẩm

Để đáp ứng nhu cầu đẩy hàng ra thị trường, hình thức cửa hàng chuyên dùng (như hệ thống Sephora) ra đời để cạnh tranh với hệ thống bán hàng đa cấp. Những cửa hàng này tung các khuyến mãi 50% để hút khách.  Các cửa hàng này được đặt trong các khu dân cư đã thay đổi hệ thống mỹ phẩm Hàn Quốc.

Sự xuất hiện của hệ thống cửa hàng chuyên dùng đã đẩy sự cạnh tranh giữa hai hệ thống bán hàng lên cao, nhờ đó mà giá cả ngày càng hạ xuống.

Năm 1990s, Hàn Quốc mở cửa cho các thương hiệu ngoại. Các thương hiệu này bắt đầu thâm nhập vào trung tâm thương mại, doanh số của chúng tăng dần theo tháng năm. Ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc bước vào giai đoạn chuyển giao.

3.3. Sự ra đời của cửa hàng độc quyền thương hiệu

Sang những năm 2000, các thương hiệu ngày càng không thể chịu nổi điều khoản bán hàng khắt khe và mức chiết khấu cao từ hệ thống cửa hàng chuyên doanh mỹ phẩm, Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của hệ thống thẻ tín dụng, nhà sản xuất phải gánh thêm phần chi phí giảm giá khi khách hàng thanh toán qua thẻ.

Năm 2002, cửa hàng độc quyền thương hiệu đầu tiên ra đời. Công ty Able C&C đã ra mắt cửa hàng riêng cho thương hiệu Missha, với ý tưởng mang đến dòng sản phẩm giá rẻ dưới 3,300 KRW. Ý tưởng này nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận, và cách làm này nhanh chóng trở thành kênh phân phối dẫn đầu của nền công nghiệp mỹ phẩm.

Cửa hàng độc quyền thương hiệu

Năm 2003, các thương hiệu khác nhanh chóng bắt nhịp với hình thức phân phối mới. Các cửa hàng độc quyền của thương hiệu The Face Shop, Skinfood nhanh chóng vào cuộc, với phương châm hàng chất lượng, giá bình dân. Hai tập đoàn lớn nhất trong nền công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc là Amore Pacific và LG Household & Healthcare bắt nhịp cuộc chơi.

Sự hình thành cửa hàng độc quyền thương hiệu thực sự đã đẩy nền công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc trở nên nóng, cạnh tranh khốc liệt hơn. Thời gian tung sản phẩm mới rút ngắn từ 2 năm về còn 6 tháng.


Cho đến nay, hệ thống phân phối mỹ phẩm của Hàn Quốc có thể chia làm 4 kênh chính:

  • Quầy tại hệ thống siêu thị, department store
  • Hệ thống cửa hàng chuyên doanh mỹ phẩm:
  • Hệ thống bán hàng đa cấp
  • Hệ thống thương mại điện tử.

Ngoài ra, mỹ phẩm có thể được phân phối qua hệ thống nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm và sức khỏe, hệ thống bán hàng home shopping TV… Gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, hình thức bán hàng cá nhân qua mạng xã hội cũng đang dần hình thành,


3.4. Hình thức ODM, OEM mỹ phẩm tại Hàn

Chính sự hình thành hệ thống cửa hàng độc quyền thương hiệu đã đẩy nền công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc bước sang một kỷ nguyên mới: nhà máy và kinh doanh tách biệt với nhau. Theo đó, mỗi bên sẽ đóng vai trò khác nhau:

  • Nhà máy sản xuất: Chịu trách nhiệm nghiên cứu các công nghệ mới, hình thức mới, thể dẫn mới cho mỹ phẩm.
  • Nhà kinh doanh/ thương hiệu: chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ, đưa ra các concept mỹ phẩm và chuyển ngược lại cho nhà máy phát triển.

Lời kết: Mình sẽ chia sẻ một góc nhìn khác sau những ngày tháng được huấn luyện về ODM, OEM mỹ phẩm tại Hàn. Rất tiếc thời gian huấn luyện khá ngắn (1 tháng) để có thể hiểu tường tận qui trình làm việc của họ, nhưng cũng đủ để có một góc nhìn mới mẻ về sản xuất mỹ phẩm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here